Phim truyền hình và một vài thứ khác, Review

[Review] Erai tokoro ni totsuide shimatta!! – Tôi lấy nhầm phải Địa Ngục rồi!!


Thể loại: J-dorama aka phim truyền hình  Nhật Bản. Gia đình.
Độ dài: 9 tập.
Diễn viên chính: Nakama Yukie, Tanihara Shousuke, Matsuzaka Keiko.
Link phim đã được vietsub: Đây

Lần đầu tiên viết review cho một J-dorama :) Có thể không hay như các lão làng về phim Nhật khác, nhưng…chỉ đơn giản là muốn mọi người xem phim này thôi. Yoroshiku onegaishimasu!

Tựa đề của phim có nghĩa là “Tôi lấy nhầm phải đi Địa Ngục rồi!!” và còn có một tên tiếng Anh khác là “Ôi mẹ chồng tôi!”. Nghe tiêu đề tiếng Anh thì mọi người sẽ liên tưởng đến một bộ phim về mối quan hệ mẹ chồng-con dâu kiểu mẹ chồng khó khăn và con dâu vất vả đúng không, đề tài này được khai thác nhiều rồi mà. Nhưng mọi người a, đây là phim của Nhật a, và nói đến Nhật thì chúng ta nên chuẩn bị tinh thần cho một cái gì đó không như chúng ta tưởng tượng đi là vừa.

Nội dung phim là về cô dâu trẻ Kimiko sau khi lấy anh chồng Yamamoto Isojirou trẻ con và bừa bãi liền bị bắt về nhà chồng làm tiệc mừng cưới (ở Nhật sẽ có lễ cưới và tiệc mừng cưới). Về đến nhà mới biết nhà chồng ở 1 cái thị trấn mà người ta vẫn mặc kimono hằng ngày, còn nhà chồng thì là cả 1 cái dinh thự có vườn cây và suối chảy róc rách, dù bạn Isojirou bảo rằng “Trung lưu ấy mà” (trung lưu cái mợ gì =.=). Một gia đình truyền thống với một miền quê truyền thống lắm phong tục, cô dâu trẻ Kimiko sẽ sống ra sao? Đương nhiên là hét lên “Tôi lấy nhầm phải Địa Ngục rồi!!” chứ làm sao.

Nhưng như đã nói, phim Nhật nó không giống như phim thường (hắc hắc). Ai đang có ý nghĩ về một bà mẹ chồng khó đăm đăm ghét con dâu thì mần ơn quên khẩn trương. Dù vậy, theo lời Kimiko thì thà có bà mẹ chồng như thế còn dễ đối phó hơn là bà mẹ chồng hiện tại của con bé. Bà Yamamoto chính là một phụ nữ Nhật Bản mẫu mực điển hình, hết lòng vì chồng con và nói năng dịu dàng nhỏ nhẹ. Bà thương Kimiko hết mực a, nhưng phải cái bà có cái tính lạc quan đáng sợ và khả năng hiểu sai ý người khác và hiểu ọi chuyện theo ý của mình một cách chân thành cũng thực đáng sợ. Kimiko đáng thương không thể nào nói “Không” với một khuôn mặt tươi cười dịu dàng một cách chân thành như thế và luôn phải chấp nhận những lầm tưởng vĩ đại của bà mẹ chồng, lại may mắn hơn khi có một anh chồng siêu trẻ con với câu nói thường trực  “Cứ giao cho anh/Cứ tin tưởng anh” rồi sau đó làm hỏng hết cả việc, không thể nói “Không” với mẹ và không thể nói thật lòng với mẹ vì sợ mẹ buồn. Bạn cứ thử tưởng tượng đến cái mình ở trong hoàn cảnh như sau:

Mình: Không thể chịu nổi nữa. *bỏ chạy ra ngoài* *hét một mình* Tôi không muốn sống ở cái nhà này!!!!

Mẹ chồng: Tại sao vợ con lại chạy đi như thế? Có phải nó thấy mẹ rất khó chịu không? Mẹ thương nó quá. Có phải nó ghét phong tục nhà ta không? Có phải nó ghét mẹ rồi không?

Chồng: … À… À không phải thế đâu mẹ à… Vợ con chỉ là…quá xúc động khi được mẹ quan tâm như thế, cô ấy chỉ là ngượng ngùng thôi. Cô ấy bảo là phong tục nhà ta cũng có điểm hay. Cô ấy không thể đợi được đến ngày thực sự trở thành người của nhà mình đâu… *cứ thể tiếp tục*

Mẹ chồng: Aaa, ra là thế ư. Mẹ lại cứ tưởng con bé ghét mẹ. May quá… Mẹ thương nó lắm. Mẹ sẽ cố hết sức để giúp nó thành người phụ nữ thật sự của gia đình này!!

Tèo rồi!!!!! Bạn cứ thử tưởng tượng cái cảnh ấy xuất hiện vào mỗi lần bạn hết chịu nổi và người mẹ chồng yêu thương bạn hết lòng luôn hiểu sai ra như thế xem, không thể từ chối và không thể nói thật a~ Lời thề được lập ra “Không về cái nhà này đâu” của con bé Kimiko đã bị chính 2 người thương nó nhất là chồng và mẹ chồng dẫm đạp một cách thảm hại. Thương con dâu, tin tưởng con dâu, giao cho tổ chức lễ tang lớn. Thương con dâu, tin tưởng con dâu, tổ chức cuộc vận động bầu cử của ông anh họ. Thương con dâu, giúp con dâu tỏ lòng hiếu thuận với bố mẹ ruột bằng cách nói rằng nó giỏi lắm, nó biết nấu ăn, về nhà tôi nó làm được TẤT (!!!)…. Tèo rồi!!

Nhưng chính vì hai từ “chân thành” đó trong từng cử chỉ của mẹ chồng, Kimiko đã thương mến bà trong vô thức. Vì phải chấp nhận bao nhiêu là hiểu lầm, cô lại càng muốn nói chuyện với bà, để hiểu bà hơn và để bà hiểu mình hơn. Cô học được bà sự nỗ lực trong từng công việc, tấm lòng quan tâm và yêu thương, và cá tính to lớn nhất của bà: “chân thành”. Chân thành yêu thương, chân thành quan tâm. Không một chút giả dối. Đôi khi bà cũng trẻ con và một chút hiếu thắng (với bà hàng xóm dám chê con dâu Kimiko của bà), nhưng tất cả đều là thật, thật từ trong tâm thật ra, không một chút tô vẽ. Bà ngồi thêu từng cái băng rôn đeo trán cho từng người trong cuộc bầu cử, bà leo 150 bậc thang lên đền thờ mỗi ngày để cầu nguyện cho con gái sinh nở bình an… Vì như thế, dù có khó chịu cách mấy, Kimiko vẫn luôn không thể nói “không” trước bà, cho đến cái ngày cô nói trước bao nhiêu người “Sau cùng…bà là một người mẹ chồng tệ nhất. Nhưng…tôi tự hào về mẹ. Bà là người mẹ chồng tệ nhất, nhưng cũng là người mẹ chồng tuyệt vời nhất”. Shinn, bà chị sáng tác truyện yêu thích của tôi, hay nói trong truyện của chị: “Mong rằng chân thành sẽ không bị chối từ”. Và tôi luôn tiếp lời: “Mong chân thành cho đi sẽ được nhận một cách chân thành”. Cả 2 điều đó đã trở thành sự thực, đối với mối quan hệ của Kimiko và bà mẹ chồng đáng yêu của cô.

Phim không chỉ xoay quanh mối quan hệ ở trên, mà còn nói rất nhiều về tình cảm gia đình cũng như chồng vợ. Một câu nói trong tập 2 của phim mà tôi đã thích đến mức post lại trên facebook: “Mơ ước và lãng mạn không phải bao giờ cũng khiến một cuộc hôn nhân tồn tại lâu dài”. Thật vậy. Kimiko từng thú nhận, cô và chồng “có lẽ vì cả hai đều là những kẻ thất bại (loser) như nhau, nên mới đến với nhau. Giữa chúng con có lẽ là “tình đồng chí” nhiêu hơn là tình nhân”. Chồng cô, Isojirou, trẻ con, có chút vô dụng, lúc nào cũng  “Cứ giao cho anh” nhưng toàn hỏng việc. Nhưng chính vào lúc quan trọng nhất, Kimiko chỉ tin tưởng vào một mình anh. Anh là đồng minh duy nhất của cô trong cuộc chiến với Địa  Ngục. Dù anh trẻ con bao nhiêu, anh vẫn là người hiểu cô nhất. Lãng mạn và tự nhìn đối phương qua đôi kính màu hồng có lẽ chỉ vui khi còn trong giai đoạn yêu đương nồng thắm, đến khi lấy về có lẽ sẽ thành thảm họa. Tự nhìn vào bản chất thật của người mình yêu, hiểu rõ mình yêu người ấy và chấp nhận người ấy ở điểm nào…mới khiến một cuộc hôn nhân tồn tại bền lâu. Chúng ta lấy người chúng ta tin tưởng để giao trọn 2/3 cuộc đời còn lại cho họ, chứ đừng lấy người chúng ta chỉ có yêu và yêu.

Phim Nhật bao giờ cũng có ít nhân vật, không dàn trải quá nhiều để rồi mỗi cá tính đều mờ mờ nhạt nhạt. Erai (…) cũng thế. Các nhân vật trong phim chỉ gói gọn Kimiko, gia đình chồng, bố mẹ ruột và một cô sếp đàn áp. Nhưng tất cả đều có một cá tính riêng. Một ông bố chồng lúc nào cũng chỉ “ừm”, một bà chị chồng cau có cùng ông chồng vô dụng nhát gan, một cô em chồng học Y khoa dở người và một ông anh họ kể chuyện cười nhạt toẹt. Vậy thôi! Nhưng đặc biệt, và đặc trưng.

Nakama Yukie đại mỹ nhân tỷ tỷ diễn xuất trong phim này không đặc biệt lắm, đôi lúc hơi hao hao trong Gokusen, nhưng vẫn thật xuất thần trong những trường đoạn cần nhiều cảm xúc. Tanihara Shousuke thiệt xuất sắc với màn trình diễn trẻ con chưa kịp lớn của mình nha~

Ờm, không biết kết thúc bài này như lào… Nhưng thật tình muốn nói rằng viết bài này không nhằm mục đích gì cả, chỉ muốn giới thiệu cho mọi người một bộ phim hài hước về gia đình rất tuyệt vời mà thôi. Chỉ có vậy, còn lại, tùy nghi cảm nhận (nếu có ai quyết định sẽ down phim về xem). Rất mong nhận được phản hồi a~ *smile*

6 bình luận về “[Review] Erai tokoro ni totsuide shimatta!! – Tôi lấy nhầm phải Địa Ngục rồi!!”

  1. Cám ơn bài review của bạn. Mình rất thích Nakama Yukie. Và nội dung cũng có vẻ nhẹ nhàng đáng yêu nữa. Mình sẽ coi phim này.

  2. Cảm ơn bạn viết Review phim Erai :). Hồi xem phim mình cũng muốn viết lắm nhưng sub biết làm chứ review thì mình không biết viết :(. Mình mang bài này share trên Facebook nhé.

Gửi phản hồi cho Gau Khoai Lang Hủy trả lời