Phim điện ảnh, Review

[Review] Lời Nguyền Huyết Ngải – Ma mị và rợn sống lưng nhiều hơn là kinh hãi.


Vốn tuần sau mới định đi xem phim cơ nhưng ss Ly yêu dấu nhờ đi xem sớm và viết review luôn trong tuần này nên đã lò dò đi xem ngay từ sáng nay (cơ mà thật ra mình có cớ để đi coi sớm mình cũng khoái chết mợ đi được :”>). Khác với Vũ Điệu Đường Cong gây bất ngờ cho mình về độ hay của nó thì Lời Nguyền Huyết Ngải làm mình hài lòng vì đã hay đúng như kì vọng. Tuy nhiên, có lẽ mình sẽ đi xem lại một lần nữa vào lúc phim đã hết hot và rạp thì vắng ơi là vắng, vì một lượng lớn khán giả trẻ chắc-chắn-chưa-tốt-nghiệp-cấp-3 (hình như chiếm 2/3 rạp luôn hay sao) với chỉ số văn minh rạp phim bằng 0 đã làm mình bị tụt cảm xúc khá nhiều lần.

Lời Nguyền Huyết Ngải kể về bộ ba sinh viên trường Y là Bình, Khải và Tùy trong một lần tình cờ đã khám phá được một loại cây kì lạ hút máu người, gọi là Huyết Ngải. Tò mò, họ chọn loại cây này làm đề tài nghiên cứu y học cổ truyền, môn học của giáo sư Hoàn Sinh. Nhưng những điều kì lạ đã xảy ra, những tiếng la hét, lời hát ru… và những cái chết.

Phải nói ngay từ lúc những hình ảnh đầu tiên của phim hiện lên thì ấn tượng lớn nhất chính là màu phim quá đẹp. Cả bộ phim có tông màu xanh thẫm nhờ nhờ, tạo một cảm giác rợn sống lưng rất hiệu quả. Trừ một vài cảnh diễn ra lúc trời sáng và ở ngoài nhóm bộ ba đi tìm về nơi ở của Thánh Cô ở cầu Ma, còn lại đều mang một tông màu quỷ dị như vậy, thậm chí cả những cảnh trời sáng nhưng lại diễn ra ở trong khuôn viên trường Y hay kí túc xá. Và mình rất thích những tòa nhà trong phim. Phong cách cổ, cộng thêm cái tông màu quỷ dị làm sống lưng cảm thấy gai gai, lúc đó đã quay qua Bông tỷ mà bảo: “Sống trong mấy khu nhà thế này thì dù không có ma cũng thấy sợ chết mợ đi được“. Có lẽ vì là phim kinh dị – hình sự – hồi hộp nên các bối cảnh của phim cũng hạn chế, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy chỗ như nhà Thánh Cô, trường Y, phòng thí nghiệm, kí túc xá, nhà thầy Hoàn Sinh; thật ra điều này lại giúp mình bám vào để khỏi liên tưởng đến đời thực cho đỡ sợ, thì kiểu kiểu “chuyện chỉ xảy ra ở mấy chỗ đấy tức là chỉ xảy ra cho một vài người nhất định, không phải dàn trải như kiểu Final Destination đâu” ấy :”>

Lời Nguyền Huyết Ngải là một bộ phim chỉn chu, có lẽ đã có nhiều người nói về điều này. Bỏ qua yếu tố kinh dị làm bao người tò mò, thì bất cứ một fan điện ảnh nào đi xem cũng sẽ hài lòng vì sự chỉn chu này. Từng nhân vật được xây dựng hoàn chỉnh, tính cách rõ ràng, hay ít nhất thì sự xuất hiện của họ cũng ít nhiều mang lại một cảm giác ấn tượng, như nhân vật của bạn gác cổng nhà Thánh Cô với tướng nằm muôn thuở chẳng hạn. Sự xuất hiện của bạn không nhiều, cũng không có thoại để mà diễn, nhưng hai lần tướng nằm của bạn đều làm cho người ta thấy ấn tượng mà ghi nhớ, khiến khán giả không phải thắc mắc trong lần xuất hiện thứ ba “Ủa, đây là thằng nào?”. Mình thích điều đó. Tuy nhiên, mình lại muốn phải chi nhân vật Chiêu Dương – Thánh Cô được xử lí cho gây ấn tượng mạnh hơn nữa. Hiện tại, khi mình nhớ về phim thì mình gần như không nhớ được cảnh nào đặc tả khuôn mặt cô bé, toàn là những ảo ảnh xa vời. Có lẽ đây là một sự cố ý, nhưng mình vẫn muốn Chiêu Dương có một khí chất quỷ dị hơn, đặc tả sự huyền bí “mãi mãi tuổi lên 6” của cô bé hơn. Nhưng kể ra thì Yu Dương đã có một vai diễn tốt, vì mình công nhận là Chiêu Dương có ánh mắt, nét miệng và khí chất nhẹ hẫng hệt như chỉ mới 6 tuổi, mặc dù em có ngoại hình tuổi 16 (và xinh thấy má luôn). Mình không cho rằng nhân vật Bình của Phan Anh mờ nhạt, không hiểu sao mình vẫn thấy anh vẫn rất rõ nét. Một chàng trai tò mò và ương ngạnh rất hợp lí với độ tuổi sinh viên năm 2 (tức là nhỏ tuổi hơn cả mình, f***), và khá dễ dàng để chấp nhận những chuyển biến tâm lí của anh. Còn thầy Hoàn Sinh của chú Thành Lộc thì không có gì để chê, có ghét thì có chăng là ghét chính nhân vật Hoàn Sinh chứ không phải là Thành Lộc. Ờ cũng chả hiểu vì sao mình ghét Hoàn Sinh nữa, chỉ là cái cách lùi lũi tẩm ngẩm tầm ngầm của lão ta làm mình muốn chọi dép vào màn hình. Hóa trang của chú Thành Lộc nhìn đã kinh khủng và tuy giọng Bắc của chú đôi chỗ bị bẻ quá nhưng không đến nỗi gây khó chịu về cái sự “pha tiếng” này.

Về những yếu tố kinh dị, như mình đã nói ở đầu bài viết, nó ma mị và làm mình rờn rợn hơn là thót tim sợ hãi co chân co cẳng tay chân quơ quào. Và mình không ngờ cái cảnh mà mình đã cho là chả-có-gì-giật-mình trong trailer ấy trong phim nó lại gây hiệu ứng giật mình tốt nhất, nguyên cái rạp la bài hãi (ấy cảnh gì thì các bạn đi xem đi rồi biết).  Và cảnh mình nhớ nhất là cảnh của thầy Hoàn Sinh và vợ thầy (vâng, là cảnh gì thì cứ tự đi xem đi rồi biết, hề hề). Thật ra chỉ có hai cảnh đó là làm mình thấy kinh dị, còn lại đều không thấy quá giật mình sợ hãi, nhưng xét ra cả bộ phim đã mang lại một bầu không khí u ám đáng sợ rồi. “Không có gì đáng sợ” lại trở thành “lúc nào cũng đáng sợ”.

Lới thoại trong phim rất tốt, yay! Nam sinh viên là nhân vật chính nên trong phim toàn là chuyện cười bỉ bựa về gái gú ngực bự và  chọc nhau mấy trò khốn nạn =)))) Yếu tố hài hước đến từ những thứ đời thường chứ không phải cố tình gây hài và đan xen hợp lí, vì vậy không làm loãng chất rùng rợn của phim mà giống như một loại gia vị tinh tế được nêm vào món ăn nhiều hơn (ấy là nói thế cho thi vị chứ chuyện ngắm gái ngực bự có cái mẹ gì tinh tế chứ =)))))

Sau khi xem Lời Nguyền Huyết Ngải, mình thật sự đã rất hào hứng với phim Việt Tết của năm nay. Nếu nhìn lại năm ngoái với Thiên Sứ 99, Bóng Ma Học Đường và Cô Dâu Đại Chiến thì chỉ có một mình Cô Dâu Đại Chiến là đem lại một cảm giác “đây là điện ảnh”. Nhưng năm nay, khởi đầu từ Vũ Điệu Đường Cong nối tiếp sang Lời Nguyền Huyết Ngải và hứa hẹn sắp tới là Lệ Phí Tình Yêu và Thiên Mệnh Anh Hùng, số lượng phim tốt đã tăng gấp 3. Cảm giác thực sự rất đã. Cái cảm giác Tết này mình muốn ra rạp xem phim Việt Nam thực sự rất đã các bạn ạ. Vũ Điệu Đường Cong đã khởi nguồn và Lời Nguyền Huyết Ngải đã trực tiếp châm lửa đốt cháy cảm giác đó. Một bộ phim không khiến chúng ta lăn tăn, không khiến chúng ta cảm thấy tiếc tiền vé, không khiến chúng ta cười ruồi phẩy tay “Ấy, ghi thể loại này mà sao tao xem toàn ra thể loại kia”. Cảm giác sau khi xem xong một bộ phim Việt Nam như vậy… rất là đã đó.

[đoạn này chửi đổng nên bôi trắng, ai thích thì hẵng đọc, không liên quan đến bài đâu. Đoạn trên là kết bài rồi đó]

Lạy Chúa, các bạn trẻ nào đó làm ơn đi học văn minh rạp phim giùm cái. Vô rạp làm ơn im lặng cho người ta coi giùm cái. Không chịu được “kinh dị” thì lượn về đi, không thì câm họng đi chứ đừng có ở đó mà eo éo cái mồm. Ăn ở trên đời mà để cho người ta chửi đổng cả nhà lên là “không biết dạy con” thì nhục lắm đó các bạn à!

4 bình luận về “[Review] Lời Nguyền Huyết Ngải – Ma mị và rợn sống lưng nhiều hơn là kinh hãi.”

  1. Mình rất thích bộ phim này, xem xong rồi mà vẫn muốn xem lại, một mình, để coi hết các cảnh mình đã nhắm mắt :p Những cái gì khen được thì Nguyệt đã khen hết rồi, mình cũng không cần phải nói lại nữa. Mình cũng giới thiệu phim này cho mẹ mình coi, mẹ mình cũng rất thích :D Bị xoắn bác Thành Lộc ” Nếu buồn thì cứ giải quyết vào đây nhé”, hay là ”ăn cơm thì phải soi gương không thì ăn phải râu mà cứ tưởng là ăn sa lát” =]]

  2. mình cực like khúc bôi trắng của bạn :) hum wa mình đi coi thiên mệnh anh hùng cũng thế… người lớn thì ngồi nói oang oáng, thà rà bình luận phim đi thì k nói, cơ mà ngồi đó nói cái gì mà “thằng tiến nó k có gọi về” rùi bla bla bla… nói to nữa chứ… cô ấy ngồi tuốt đầu ghế bên kia, mình thì ngồi tuốt bên này mà còn nghe… bực quá mình kêu là “cô ơi, cô có coi thì coi đi, chứ đừng nói nữa.” còn mí đứa choai choai thì khỏi phải nói T____T cứ coi đc tí là bình luận tí, nếu k thì chêm vào 1 số câu tục tĩu… mình nói thật, chả cấm kỵ j vụ bình luận, hay nc riêng, vì ai cũng có quyền phát ngôn, cái miệng là của họ mà… thế nhưng cũng nên biết thế nào là ý tứ, mún j thì nói nhỏ với người kế bên, đủ 2 người nghe đc rùi, làm chi phải nói thật to để mọi người nghe… người ta nghe thì chỉ mắng mí bé ấy là vô văn hóa, nhưng mà trên hết người ta lại mắng ba mẹ mí bé ấy k bík dạy con T___T thế nên nhiều khi thấy web này web nọ đăng mí câu hàm ngôn mắng chửi lẫn nhau vô văn hóa này nọ mình chỉ thấy tội cho ba mẹ mí bé ấy.

Bình luận về bài viết này